------------------------------

Cuối năm 2004, tác giả Vương Hằng Tích cho ra đời truyện ngắn “Người mẹ điên”. Tác phẩm đã xuất sắc đoạt giải nhất về “Văn học kính lão” toàn quốc và gây chấn động làng văn học Trung Quốc. Đọc truyện ngắn “Người mẹ điên”, ta thấy thấm thía hơn tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt. Đây quả là một bài tản văn trữ tình có sức ảnh hưởng sâu rộng và đã lấy đi không ít nước mắt của người đọc.

23 năm trước, có một người con gái trẻ lưu lạc đến làng tôi, đầu tóc rối bù, gặp ai cũng cười cười, thậm chí còn ngồi tè giữa thanh thiên bạch nhật. Người làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, buông những lời lẽ miệt thị, có người còn chạy lên trước dậm chân, đuổi “cút cho xa!”. Thế nhưng cô gái cứ trơ trơ không bỏ đi, vẫn cứ đi lại quanh quẩn rồi cười ngây dại trong làng.

Hồi ấy, cha tôi 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá, xui rủi sao một hôm nọ bị máy chém cụt mất tay trái, nhà lại nghèo rớt mồng tơi, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy cô gái điên có chút nhan sắc thì động lòng, quyết định đem cô về nhà làm vợ cho cha tôi, đợi đến khi cô ta sinh cho nhà tôi “đứa nối dõi” thì sẽ đuổi đi. Cha tôi dù trong lòng bất mãn, nhưng nhìn lại cảnh nhà, đành cắn răng cam chịu. Thế là, cha tôi nghiễm nhiên trở thành chú rể mà không phải tốn đồng xu nào.

Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, móm mém cười vui sướng: “Cái con mẹ điên này mà lại sinh ra được đứa bé kháu khỉnh thế này!” Có điều, bà không bao giờ cho mẹ đến gần tôi.

Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần mẹ đứng trước mặt bà gào khóc, nài nỉ: “Đưa, đưa con cho tôi…”, nhưng bà nội mặc kệ. Tôi hãy còn trứng nước như thế, như khối thịt non, ai mà biết được mẹ có lỡ tay vứt tôi đi hay không? Dù sao, mẹ tôi cũng chỉ là một người mẹ điên.

Cứ mỗi lần mẹ van xin được bế tôi, bà nội lại trừng mắt lên chửi: “Mày đừng hòng mà bế cháu tao. Còn lâu tao mới đưa cháu nội của tao cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao sẽ đánh cho mày chết. Đánh mà chưa chết thì tao sẽ đuổi cho mày cút xéo khỏi đây!”

Bà nội nói với vẻ cương quyết và chắc chắn. Mẹ dường như cũng hiểu ra, vẻ mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, chỉ dám đứng ở xa xa nhìn tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy, nhưng tôi không được hưởng một ngụm sữa mẹ nào. Bà nội đút từng thìa, từng thìa cháo nuôi tôi lớn. Bà nói trong sữa mẹ có “bệnh thần kinh”, chẳng may lây sang tôi thì phiền lắm.

Hồi đó nhà tôi vẫn đang ngụp lặn trong vũng bùn của nghèo đói. Đặc biệt là kể từ khi có sự xuất hiện của mẹ và tôi, nhà thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì nuôi mẹ chỉ tổ tốn cơm, lại còn mang tiếng thị phi.

Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay bà xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ bảo: “Này con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi tìm nhà nào khá giả hơn một tí mà ở, đừng bao giờ quay lại đây nữa, nghe không?”

Mẹ tôi vừa cho một miếng cơm to vào mồm, nghe câu “hạ lệnh tiễn khách” của bà nội thì vô cùng kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã trong miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm ngoan trong lòng bà nội, lắp bắp kêu ai oán: “Đừng… đừng…”. Bà nội nghiêm mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của một bậc gia trưởng nghiêm giọng quát: “Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có kết quả tốt lành gì dâu. Thương mày lang thang khắp nơi, tao đùm bọc mày đã hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa. Ăn hết bát cơm ấy rồi cuốn gói đi đi, nghe chưa hả?”

Nói đoạn, bà nội lôi từ sau cửa ra cái xẻng, đập mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, “phập” một tiếng. Mẹ sợ chết khiếp, lén nhìn lên bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, nhỏ nước mắt lên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát của bà nội, mẹ tôi chợt có một hành động kỳ quặc, mẹ chia phần lớn cơm trong bát sang một cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương.

Bà nội thẫn thờ cả người, hóa ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ cầu mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội thấy trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, dù sao bà cũng là phụ nữ, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là lớp vỏ ngoài. Bà nội quay đầu đi, để cho những dòng nước mắt chảy ngược vào trong, rồi quay lại nghiêm mặt quát: “Ăn mau ăn mau đi rồi còn đi. Ở trong căn nhà này sớm muộn gì cô cũng chết đói thôi!”

Mẹ tôi như sụp đổ hoàn toàn, bỏ dở bát cơm nhỏ xíu, tập tễnh bước ra khỏi cửa. Nhưng mẹ nấn ná ở bậc cửa rất lâu không chịu bước ra. Bà nội dằn lòng đuổi: “Cô đi mau đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà giàu có!” Nhưng mẹ tôi vẫn quay lại, đưa một tay về phía lòng bà, mẹ muốn được ôm tôi một chút.

Bà nội hơi ngần ngại một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Đó là lần đầu tiên mẹ được bế tôi vào lòng, môi mẹ nhắp nhắp cười, nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên loạn, quăng tôi đi như quăng một bịch đồ. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội đã giằng tôi trở lại, rồi quay vào nhà cài chặt then cửa.

Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện ra là, ngoại trừ tôi, bọn trẻ trong làng đều có mẹ. Tôi tìm cha, tìm bà để hỏi, nhưng họ đều nói mẹ tôi đã chết rồi. Nhưng lũ bạn cùng làng đều bảo tôi: “Mẹ mày là một bà điên, bị bà nội mày đuổi đi rồi.”

Tôi lại tìm bà nội để vòi vĩnh, đòi bà phải trả lại mẹ cho tôi. Tôi thậm chí chửi bà là đồ “bà lang sói”, lại còn hất tung chén cơm bà bưng cho tôi.

Lúc ấy, tôi đã biết “điên” là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ vô hạn. Mẹ tôi trông như thế nào nhỉ? Mẹ còn sống không?

Không ngờ, năm tôi lên 6 tuổi, mẹ tôi đột ngột trở về sau 5 năm lang thang.

Hôm đó, tôi đang ngồi trong nhà thì mấy đứa nhóc bạn tôi hớt hơ hớt hải chạy đến báo: “Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ điên của mày về rồi!” Tôi mừng quá vắt chân lên cổ mà chạy, bà nội và cha cũng chạy theo tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó áo quần vẫn rách bươm, tóc tai còn vương những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là ngủ đêm trong đống cỏ nào.

Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng hướng mặt về phía nhà tôi. Mẹ ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay cầm một quả bóng bay bẩn thỉu. Khi tôi và bọn trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng tìm tôi trong đám trẻ. Cuối cùng, mắt mẹ dừng lại ở tôi, nhếch môi khẽ nói: “Thụ… bóng… bóng”. Mẹ đứng lên, cầm quả bong bóng trong tay, dúi vào tôi với vẻ lấy lòng.

Tôi liên tục lùi lại. Nỗi thất vọng trào dâng trong lòng, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi mong ngóng lại là cái hình người này. Người không ra người, ngợm không ra ngợm. Một thằng nhóc đứng cạnh tôi kêu to: “Thụ, bây giờ thì mày đã biết bà điên là thế nào chưa? Là mẹ mày như vầy đấy!”

Tôi tức tối đáp lại nó: “Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là bà điên ấy, mẹ mày mới là thế này!”

Tôi quay đầu chạy một mạch. Tôi không thèm người mẹ điên này. Bà nội và cha tôi thì lại đưa mẹ về nhà. Khi xưa, bà nội đuổi mẹ tôi đi rồi, lương tâm bà vô cùng cắn rứt, bà ngày càng già yếu, trái tim bà cũng không còn sắt đá được nữa, nên bà đưa mẹ về, còn tôi lại rất bực bội, vì mẹ mà tôi mất thể diện trước mặt lũ bạn.

Tôi không bao giờ tươi cười với mẹ, không bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ thốt ra tiếng gọi “Mẹ!” mỗi khi nói chuyện với mẹ, tôi gào là chủ yếu, còn mẹ chẳng bao giờ dám hé miệng.

Nhà tôi không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định dạy cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà dắt mẹ đi để quan sát học hỏi, bà bảo nếu mẹ không nghe lời sẽ đánh đòn.

Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã biết làm được kha khá việc, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong hai bồ “cỏ lợn”. Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trổ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vô cùng tức giận xen lẫn sợ hãi, gào lên chửi rủa: “Con mẹ điên ngay cả lúa và cỏ mà cũng không phân biệt được…”

Bà nội còn chưa biết phải xoay sở như thế nào, thì người nhà có ruộng bị cắt lúa tìm đến, mắng bà cố ý dạy cho con dâu làm càn. Bà nội nổi trận lôi đình, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo, vào lưng con dâu, chửi: “Đánh chết con điên này, mày cút đi ngay cho khuất mắt tao…”

Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng lắp bắp sợ hãi: “Đừng… đừng…”. Người ta thấy vậy cũng chướng mắt, chủ động bảo: “Thôi, chúng tôi chẳng bắt đền nữa. Sau này rút kinh nghiệm giữ cô ta chặt một tí là được.”

Khi cơn sóng gió đã qua, mẹ oằn người dưới đất thút thít khóc. Tôi nhìn khinh bỉ, bảo: “Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là đồ con lợn.” Tôi vừa dứt lời, gáy tôi bị một cái tát lật, quay lại thì đó là bà. Bà trừng mắt bảo tôi: “Thằng mất dạy kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Đấy là mẹ mày đấy.” Tôi tức tối bĩu môi: “Cháu không có thứ mẹ điên khùng như thế này!”

“A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!” Bà nội giơ tay lên, bỗng mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, chen giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, thảng thốt kêu: “Đánh tôi, đánh tôi!”

Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm: “Con mẹ điên này cũng biết thương con cơ đấy!”

Tôi vào lớp Một, cha được một hộ nuôi cá ở làng bên mướn đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn làm ruộng dưới sự dạy dỗ của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không gây ra rắc rối nào lớn nữa.

Một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp Ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội liền sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi, mẹ đã ngã ì oạch mấy lần nên toàn thân trông như con khỉ lấm bùn. Mẹ đứng ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng gọi tôi: “Thụ… ô…”. Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi thì như ngồi trên bàn chông, lòng oán hận mẹ khủng khiếp. Hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi mất thể diện, càng hận thằng Phạm Gia Hỷ cầm đầu chọc ghẹo.

Trong lúc nó đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp lấy cái hộp bút trước mặt, đập mạnh cho nó một phát, nhưng Phạm Gia Hỷ đã tránh được. Nó lao tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co quyết liệt. Tôi vốn nhỏ con, không phải là đối thủ của nó, bị nó đè xuống đất dễ dàng. Bỗng nhiên, tôi nghe một tiếng “vút” kéo dài từ ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp lao vào, tóm cổ Phạm Gia Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp.

Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thực sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc Phạm Gia Hỷ lên không trung, nó kinh hãi kêu khóc gọi bố mẹ, hai chân béo ị khua khoắng, đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ chẳng thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi thản nhiên đi ra.

Mẹ không biết rằng mình đã gây ra đại họa. Trước mặt tôi, mẹ tỏ vẻ lấy lòng. Tôi hiểu ra đây chính là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, nhưng tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì mẹ không đành lòng nhìn con trai của mẹ bị người ta bắt nạt. Tôi không kìm được nữa, kêu lên: “Mẹ!”. Và đó là tiếng gọi “Mẹ” đầu tiên kể từ khi tôi biết nói.

Mẹ sững sờ hết cả người, đứng bần thần nhìn tôi rất lâu, rồi hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ ửng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, cả hai mẹ con che cùng một cái ô đi về nhà. Tôi kể lại sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời đến nỗi ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người gọi cha về.

Cha vừa về đến nhà, một đám thanh niên trai tráng tay dao, tay thước xông vào nhà tôi, không hỏi han đen trắng gì, đập phá mọi chén bát vò hũ trong nhà nát như tương, nhà như vừa xảy ra động đất cấp chín. Đây là những người do nhà Phạm Gia Hỷ huy động tới, bố Phạm hung hãn chỉ vào mặt cha tôi: “Con trai tao sợ quá phát điên rồi, giờ đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền chữa trị, tao cho một mồi lửa đốt nát cái nhà này ra.”

1000 tệ? Cha tôi đi làm một tháng chỉ được 50 tệ… Nhìn những người đằng đằng sát khí nhà họ Phạm, cha tôi mặt mày đỏ gay, nhìn mẹ với ánh mắt khủng khiếp, một tay nhanh như cắt tháo chiếc thắt lưng da, đánh túi bụi khắp đầu, khắp mặt mẹ.

Mẹ chỉ còn như con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào chỗ chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn. Cả đời tôi không thể nào quên được tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng kêu gào thảm thiết của mẹ. Sau đó, nhờ có ông trưởng đồn cảnh sát đến can ngăn, mẹ tôi mới thoát khỏi bàn tay bạo lực của cha tôi.

Kết quả hòa giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt người đó về đồn. Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà những mảnh vỡ nồi niêu chén bát tan tành, lại nhìn vết roi đầy trên mình mẹ tôi. Cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. “Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, nhưng nếu tôi không làm vậy thì việc nay không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người ta. Nghèo quá cũng là một cái tội đấy thôi!” Cha lại nhìn tôi nói: “Thụ, con phải cố học cho lên đại học. Không thì nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời đấy nhé.” Tôi gật đầu, tôi hiểu.

Mùa hè năm 2000, tôi thi đậu vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc kham khổ mà đã mất trước đó, gia cảnh nhà tôi càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhào tôi vào diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ vậy tôi mới có thể tiếp tục theo học.

Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn làm thuê với 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi do mẹ đảm đương, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa mẹ mang đi cho tôi. 20km đường núi ngoằn ngoèo làm mẹ khổ sở ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ việc gì làm cho con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên tìm lời giải thích cho hiện tượng này.

27/04/2003, một chủ nhật, mẹ lại đến. Không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: “Ngọt quá mẹ, ở đâu ra vậy?” Mẹ nói: “Tôi… tôi hái…” Tôi không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: “Mẹ à, mẹ ngày càng tài giỏi!” Mẹ cười hì hì.

Trước khi mẹ về, tôi luôn miệng dặn dò mẹ phải đi đứng cẩn thận, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập cho kỳ thi cuối cùng của bậc phổ thông. Ngày hôm sau, khi tôi đang ở trên lớp, bà thím hấp tấp chạy đến trờng, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi, mẹ tôi có đến tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói mẹ đưa rồi, và về hôm qua rồi. Thím nói: “Không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về nhà!”

Tim tôi thót lên một cái, không phải mẹ đi lạc đường đấy chứ? Chặng đường này mẹ đã đi 3 năm rồi, có lẽ không thể lạc được. Thím hỏi: “Mẹ mày có nói gì không?” Tôi bảo không, mẹ chỉ đem cho cháu chục quả đào dại. Thím đập hai tay: “Thôi chết rồi, hỏng thật rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!”

Thím kêu tôi xin thầy nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về để tìm. Trên đường quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi chỉ mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân một cây đào có vết gãy cành, bên dưới là vực sâu trăm thước. Thím nhìn tôi rồi nói: “Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!” Tôi mếu máo: “Thím, thím đừng dọa cháu…”. Thím chẳng nói chẳng rằng kéo tôi đi xuống vách núi.

Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã đông lại thành một đám màu đen nặng nề. Tôi đau đớn tới mức cảm thấy ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, kêu gào thảm thiết: “Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận khi đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ…! Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào…” Tôi áp sát đầu vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc đến mức những hòn đá trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.

Ngày 07/08/2003, một trăm ngay sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, xuyên qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa trong làng, đáp vào nhà tôi. Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ hiu quạnh của mẹ: “Mẹ, con đã có ngày nở mặt nở mày rồi. Mẹ có nghe thấy không? Mẹ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi.”

(Vương Hằng Tích – theo bản dịch của Trang Hạ)

BÌNH LUẬN - ĐẶT CÂU HỎI

Mới hơn Cũ hơn